Trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội
Logo

Đại học đột ngột không tổ chức thi riêng vì khó đáp ứng yêu cầu của Bộ

Lượt xem: 1.655 Ngày đăng: 07/05/2020

Rate this post

Vừa qua, một số trường ĐH đột ngột thông báo không tổ chức thi riêng như dự kiến ban đầu vì Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020 mà Bộ GD&ĐT đưa ra đã “siết chặt” hình thức thi này.

Đại học đột ngột không tổ chức thi riêng vì khó đáp ứng yêu cầu của Bộ - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Nhiều đại học bỏ kế hoạch tuyển sinh riêng để giữ ổn định (ảnh minh họa)

Đại học muốn ổn định?

Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, tối ngày 22/4, Trường ĐH Kinh tế quốc dân vội phát đi thông báo, chỉ lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 để xét tuyển vào đại học chính quy.

Ông Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết, tuy có nhiều biến động nhưng trường cố gắng giữ ổn định đến mức cao nhất về phương thức tuyển sinh để thí sinh yên tâm học và thi.

Trước đó, ngày 14/4, trường ĐH Kinh tế quốc dân thông báo, nếu không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do dịch Covid-19 thì nhà trường dự kiến tổ chức thi riêng vào tháng 8 với 8 môn thi.

Cũng trong ngày 22/4,  lãnh đạo Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam đã thông báo hủy bỏ phương án dự kiến thi riêng nhiều đợt thi trên máy tính, tổ chức thi vào tháng 7, 8/2020 và chỉ lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT thành phương thức xét tuyển chính của nhà trường.

Đặc biệt, chiều tối ngày 4/5, ĐH Quốc gia Hà Nội bất ngờ phát đi thông báo không triển khai kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ  tuyển sinh riêng của ĐHQGHN mà sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển.

Lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội giải thích, trên cơ sở phân tích các thông tin mới nhất về kỳ thi THPTQG, cũng xem xét việc giảm áp lực cho thí sinh do phải tham dự nhiều kì thi trong tình hình dịch Covid-19 kéo dài, ĐHQGHN đã quyết định không triển khai kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh riêng của ĐHQGHN mà sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển.

Như vậy, phương án tuyển sinh của ĐHQGHN năm nay về cơ bản không thay đổi, ổn định như năm 2019.

Ngay sau khi ĐH Quốc gia Hà Nội thông báo, trường ĐH Ngoại thương đã quyết định dừng việc tổ chức kỳ thi phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội.

PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, căn cứ trên phương án thi THPT năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, đồng thời nhằm giảm áp lực cho thí sinh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Trường Đại học Ngoại thương quyết định dừng việc tổ chức kỳ thi phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội phục vụ việc xét tuyển đại học chính qui năm 2020.

Được biết, hiện nay chỉ còn ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn đang giữ kế hoạch thi đánh giá năng lực dự kiến vào cuối tháng 6 và cuối tháng 8. Hiện có hơn 50 trường ĐH,CĐ đăng ký lấy kết quả tuyển sinh từ kỳ thi đánh giá năng lực này.

Lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, đang phải chờ Quy chế tuyển sinh chính thức từ Bộ để đưa ra quyết định cuối cùng về kỳ thi riêng này.

Xoay sở không kịp với yêu cầu Bộ đưa ra

Trao đổi với PV Dân trí, nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, Dự thảo Quy chế Tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ngày 29/4 mà Bộ GD&ĐT đưa ra có điểm mới về quy định tuyển sinh riêng đã “siết chặt”, và đòi hỏi quá cao, chưa sát thực tế, khác với điều kiện để tổ chức kỳ thi riêng trước đây nên nhiều trường đại học xoay sở không kịp.

Do đó, một số trường đại học từ bỏ luôn ý định tổ chức thi riêng như kế hoạch ban đầu đã công bố. Cụ thể, điều 12 của Dự thảo đưa ra tổ chức thi đối với các trường sử dụng phương thức thi tuyển có 5 yêu cầu như sau:

Đối với các trường tổ chức thi riêng để lấy kết quả làm cơ sở xét tuyển vào đại học, bao gồm thi các môn văn hóa hoặc thi đánh giá năng lực hoặc hình thức thi khác hoặc kết hợp một số hình thức thi phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:

Thứ nhất, Có bộ phận độc lập thực hiện chức năng đánh giá nội dung thi (sau đây gọi là bộ phận chuyên trách). Lãnh đạo bộ phận chuyên trách phải có năng lực quản lý, có tinh thần trách nhiệm, trung thực, khách quan và có kinh nghiệm 5 năm trong lĩnh vực khảo thí hoặc quản lý đào tạo;

Thứ hai, Có đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chấm thi, cán bộ ra đề thi, cán bộ phân tích dữ liệu thi, cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên, đáp ứng các yêu cầu về số lượng, trình độ để tổ chức thi. Trong đó:

– Lãnh đạo của bộ phận chuyên trách phải có năng lực quản lý, có tinh thần trách nhiệm, trung thực, khách quan. Có ít nhất 01 lãnh đạo của bộ phận chuyên trách đáp ứng yêu cầu: có bằng tốt nghiệp đại học trở lên của một trong các chuyên ngành: đo lường và đánh giá trong giáo dục hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành quản lý giáo dục và có 5 năm kinh nghiệm trong công tác khảo thí hoặc quản lý đào tạo

– Có ít nhất 10 cán bộ chấm thi đối với mỗi nội dung thi; các cán bộ chấm thi có bằng tốt nghiệp đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với nội dung môn thi và phải có chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chấm thi theo quy định của Bộ GDĐT;

– Có ít nhất 05 cán bộ ra đề thi đối với mỗi nội dung thi; các cán bộ ra đề thi có bằng tốt nghiệp đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với nội dung môn thi và phải có chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ ra đề thi theo quy định của Bộ GDĐT;

– Có ít nhất 03 cán bộ phân tích đề thi là cán bộ cơ hữu của đơn vị; các cán bộ phân tích đề thi phải có bằng đại học trở lên chuyên ngành đo lường và đánh giá trong giáo dục;

– Có đội ngũ kỹ thuật viên đáp ứng yêu cầu để sử dụng các thiết bị tin học và các thiết bị khác (nếu có) phục vụ cho việc tổ chức thi và chấm thi.

Thứ ba, Có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đủ lớn để xây dựng đề thi cho việc tổ chức thi trong một lần thi, trong đó số câu hỏi chuẩn hoá phải đủ để xây dựng được ít nhất 10 đề thi độc lập và không trùng nhau đối với mỗi bài thi dạng trắc nghiệm, đủ để xây dựng được 05 đề thi độc lập và không trùng nhau đối với mỗi bài thi dạng tự luận, đủ để xây dựng được 05 đề thi độc lập và không trùng nhau đối với mỗi bài thi dạng bài thực hành.

Nội dung các câu hỏi nhằm đánh giá trình độ văn hóa, năng lực học đại học của thí sinh theo yêu cầu của ngành đào tạo, trong đó nội dung các câu hỏi để đánh giá trình độ văn hoá phải nằm trong chương trình cấp trung học phổ thông và chủ yếu là chương trình lớp 12.

Phải thực hiện quy trình đảm bảo đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi phải được bảo mật trước, trong và sau khi thi; phải công bố đề thi mẫu/đề thi tham khảo trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng kí dự thi;

Thứ tư,  Đã ban hành quy chế thi tuyển sinh của trường gồm quy trình tổ chức và các quy định liên quan đến các nội dung: Công tác chuẩn bị cho kỳ thi; tổ chức đăng ký dự thi; công tác đề thi và quy trình bảo mật đề thi; công tác coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo, chấm thẩm định; chế độ báo cáo và lưu trữ; xử lý các sự cố bất thường, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.

Quy chế thi tuyển sinh của trường do hiệu trưởng ký ban hành sau khi có ý kiến bằng văn bản của Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường nhưng không được trái với các quy định tại Quy chế này và phải được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường, đồng thời báo cáo Bộ GDĐT ít nhất trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng kí dự thi;

Thứ 5,  Có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo số lượng, chất lượng phù hợp với quy mô, hình thức tổ chức thi. Trong đó phải đảm bảo:

– Khu vực tổ chức thi phải có môi trường sư phạm, đảm bảo các yêu cầu an toàn, bảo mật và phòng chống cháy nổ;

– Có đủ phòng thi và các phòng chức năng để tổ chức thi đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh theo quy định; có đồng hồ dùng chung cho tất cả thí sinh theo dõi được thời gian làm bài;

– Có phòng làm việc của Hội đồng thi, trực thi, giao nhận đề thi và bài thi; phải đảm bảo có hòm, tủ, hay két sắt, có khoá chắc chắn để bảo quản đề thi và bài thi;

– Có hệ thống máy tính gồm máy chủ, các máy trạm, thiết bị bảo mật hợp nhất cho hệ thống, thiết bị lưu trữ dữ liệu, thiết bị lưu điện, nguồn điện dự phòng, các thiết bị phụ trợ đảm bảo đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật để tổ chức thi trên máy vi tính phù hợp với quy mô thí sinh dự thi  (nếu tổ chức thi trên máy vi tính).

Dự thảo cũng yêu cầu, đối với các trường tổ chức thi, kiểm tra lấy kết quả làm tiêu chí để kết hợp với kết quả học tập ở bậc THPT của thí sinh hoặc kết hợp với kết quả thi tốt nghiệp THPT của thí sinh hoặc kết hợp với kết quả có được ở các kỳ thi khác của thí sinh để xét tuyển vào đại học thực hiện theo quy định tại Quy chế tuyển sinh của trường.

 Quy chế tuyển sinh của trường do hiệu trưởng ký ban hành sau khi có ý kiến bằng văn bản của Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường nhưng không được trái với các quy định tại Quy chế này và phải được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường ít nhất trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng kí dự thi.

Nhiều ý kiến chuyên gia tuyển sinh cho rằng, quy định chi tiết trên như bằng cấp của cán bộ, ngân hàng câu hỏi…  của Bộ GD&ĐT đã làm khó các trường, các trường khó thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh của mình như Luật đã quy định. 

Một số trường đã có kinh nghiệm và tổ chức tuyển sinh riêng về đánh giá năng lực nhiều năm nay như ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng khó thực hiện theo.

“Các trường tự chịu trách nhiệm với công tác tuyển sinh của mình, Bộ GD&ĐT chỉ cần đặt ra các quy định thanh tra, giám sát việc thi của các trường” – một chuyên gia tuyển sinh nhấn mạnh.

Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đang điều chỉnh lại một số chỉ tiêu theo góp ý từ các trường đại học. Cuối tuần này, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến về Quy chế tuyển sinh 2020.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Công tác tuyển sinh có thể gặp nhiều xáo trộn

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, ngày 5/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, công tác tuyển sinh được các cơ sở giáo dục ĐH triển khai theo tinh thần tự chủ, đúng quy định của Luật Giáo dục đại học, với các phương thức tuyển sinh khác nhau như sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học THPT (học bạ), phỏng vấn, kiểm tra,… hoặc bổ sung các cách đánh giá khác để tuyển sinh cho phù hợp.

Các trường tốp đầu, có mức độ cạnh tranh cao, có thể tổ chức kỳ thi riêng theo quy định của Bộ GDĐT (ví dụ kỳ thi đánh giá năng lực) để tuyển sinh. Kỳ thi này do các trường tự tổ chức độc lập hoặc liên kết thành nhóm tuyển sinh.

Bộ GDĐT điều chỉnh quy chế tuyển sinh phù hợp với quy định tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học theo Luật Giáo dục đại học.

Bộ trưởng Nhạ cũng thừa nhận, phương án này có thể gặp một số hạn chế, công tác tuyển sinh ĐH, CĐ có thể bị xáo trộn do nhiều trường ĐH, CĐ chưa có đủ thời gian để chuẩn bị đầy đủ cho phương án này.

 

Hồng Hạnh

(Dantri)

 

DMCA.com Protection Status