Trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội
Logo

Nấm Linh chi và hướng dẫn sử dụng hợp lý, an toàn

Lượt xem: 134 Ngày đăng: 06/06/2023

Rate this post

Hiện nay trong điều trị bệnh mạn tính người ta thường nhắc đến công hiệu nâng cao thể chất và khả năng thích ứng của cơ thể nhờ thuốc Y học cổ truyền. Bên cạnh vị thuốc quý Nhân sâm, thì Linh chi cũng được biết đến một cách rộng rãi với tính năng hỗ trợ điều trị bệnh tật.

  1. Sơ lược về Nấm Linh chi.

Nấm Linh Chi có tên khoa học là Ganoderma Lucidum

Họ khoa học. Họ Nấm Lim Ganodermataceae

Người Trung quốc gọi nấm Ganoderma Lucidum là Ling Zhi và ở Việt nam.

Nấm Linh Chi có các tên khác như Tiên thảo, Nấm trường thọ, Vạn niên nhung…

Nấm linh chi thường mọc ở các vùng có khí hậu nóng ẩm khác nhau ở Châu Á.

Nấm linh chi là một thành phần quan trọng của hệ thống y học cổ truyền lâu đời ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và nhiều nước châu Á khác. Nấm Linh Chi thường được sử dụng để tăng cường năng lượng, kích thích hệ miễn dịch, và tăng cường sức khỏe.

Các tác dụng chữa bệnh của Linh Chi lần đầu tiên được ghi chép trong cuốn sách Shen Nong Materia Medica viết ở Trung Quốc cách đây 2.000 năm. Nấm Linh Chi đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới trong vài thập kỷ qua và hiện đang được sử dụng chủ yếu để tăng cường sức khỏe và điều trị bệnh động mạch vành của tim, viêm khớp, viêm gan, cao huyết áp, bệnh SIDA và ung thư. Nhiều chuyên gia về thực vật học cũng khuyến cáo rộng rãi rằng nấm Linh Chi là một chất tăng cường miễn dịch cho cơ thể.

  1. Các loại nấm Linh chi

Theo Bản thảo cương mục –  Lý Thời Trân (1518 – 1593) tùy theo màu sắc mà có tên gọi khác nhau: Thanh chi (Màu xanh), Hồng chi (Màu đỏ), Hắc chi (Màu đen) và Tử chi (màu tím).

Theo nghiên cứu họ nấm Linh chi có khoảng 98 loài (năm 2000) và con số đó sẽ còn được khám phá nhiều hơn nữa vào những năm sau này.

  1. Thành phần hóa học có trong nấm Linh chi Ganoderma

Nghiên cứu cho thấy Polysaccharides có khả năng hỗ trợ miễn dịch cơ thể, giải độc cơ thể, tăng tổng hợp DNA, RNA. Ngoài ra, trong Linh chi còn có 1 loại Polysaccharides ức chế tế bào ác tính.

Trong nấm Linh chi còn có các hoạt chất khác như Acid ganodenic cũng có tác dụng giảm đau, giải độc gan, ức chế tế bào ác tính của cơ thể.

Adenosin là hoạt chất có trong Linh chi có tác dụng an thần, hạ cholesterol trong huyết thanh, ức chế kết tập tiểu cầu, cải thiện tuần hoàn cơ thể.

Lactone A: tác dụng giảm cholesterol máu.

Acid oleic: có tính kháng histamin chống dị ứng.

Cellolose: Hạ cholesterol, phòng ngừa xơ vữa động mạch, tác dụng nhuận tràng, ổn định đường huyết.

Protein: Các acid amin trong nấm Linh chi giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
Ngoài ra trong nấm Linh chi cũng giàu các nguyên tố vi lượng như Phospho, Kali, Nhôm, Vàng, Canxi, Clo, Đồng, Sắt, Kẽm…

  1. Hiệu quả điều trị của nấm Linh chi.

Linh chi có công hiệu nâng cao thể chất, nâng cao khả năng thích ứng của cơ thể, điều chỉnh cân bằng sinh lý, nâng cao khả năng kháng khuẩn phục hồi sức khỏe, “phù chính khu tà”. Trong Đông y, “phù chính” tức là nâng cao thể chất, “khu tà” tức là trừ bệnh, phù chính khu tà là tăng cường thể chất trừ được bệnh tật.

  • Hiệu quả trị liệu của nấm Linh chi đối với bệnh ung thư.

Linh chi có tác dụng nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Bệnh nhân ung thư sử dụng Linh chi kết hợp với thuốc điều trị giúp giảm phản ứng phụ của hóa trị, xạ trị, giúp ăn uống ngon miệng hơn, ngủ ngon hơn. Nấm Linh Chi cũng đã được nghiên cứu về khả năng chống ung thư. Các dữ liệu nghiên cứu lâm sàng ban đầu cho thấy nấm Linh Chi có khả năng ngăn ngừa ung thư, làm giảm nôn do hóa trị, làm tăng hiệu quả của điều trị tia xạ và làm tăng đáp ứng của tế bào ung thư buồng trứng với thuốc hóa trị cisplatin. Nấm Linh Chi cũng có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa độc thận gây ra do thuốc cisplatin.          Trong các nghiên cứu lâm sàng nhỏ, nấm Linh Chi được cải thiện khả năng chống oxy hóa và làm tăng đáp ứng miễn dịch ở những bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn. Sử dụng nấm Linh Chi làm thuyên giảm ung thư tế bào gan đã được báo cáo ở một vài trường hợp trong một nghiên cứu duy nhất. Tuy nhiên, chất chiết xuất của nấm Linh Chi đã chứng minh có tác dụng độc hại trên tế bào bạch cầu. Vì vậy còn cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định sự an toàn của nấm Linh Chi trong việc hỗ trợ điều trị ung thư.

  • Nấm Linh chi hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch.

Theo Đông y, Linh chi có hiệu quả với các bệnh Tâm khí hư, Tâm dương hư. Linh chi giúp cải thiện các triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, hồi hộp, hụt hơi, tức ngực, tay chân  lạnh, ra nhiều mồ hôi, đổ mồ hôi trộm, ngũ tâm phiền nhiệt, mất ngủ…và giúp hạ huyết áp, giảm cholesterol. Linh chi làm giảm kết tập tiểu cầu, phòng ngừa xơ vữa mạch máu. Độ kết dính của mạch máu tăng cao chủ yếu do hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao và khả năng hòa tan của máu giảm. Linh chi giúp giảm độ kết dính của máu nhờ tác dụng tăng lipoprotein mật độ cao trong máu từ đó dần dần chuyển hóa hòa tan và đào thải cholesterol mật độ thấp. Nhờ đó mà Linh chi giúp ổn định bệnh lý tim mạch tốt hơn.

  • Linh chi hỗ trợ điều trị suy nhược thần kinh.

Với chứng bệnh này Linh chi giúp cải thiện chứng mất ngủ, tinh thần sa sút, giảm trí nhớ  giảm đau đầu, nặng đầu.

  • Linh chi với bệnh viêm phế quản mạn và hen suyễn.

Linh chi ức chế tế bào thượng bì phế quản phóng thích tổ chức amin, làm giãn cơ trơn phế quản, tiêu trừ phản ứng quá mẫn.

  • Linh chi hỗ trợ điều trị bệnh viêm gan.

Viêm gan là bệnh do virus hay do nguyên nhân khác tấn công tế bào gan làm tổn thương chức năng gan. Linh chi có tác dụng nâng cao khả năng miễn dịch cơ thể, ức chế virus tấn công tế bào gan, phục hồi tổ chức gan bị tổn thương. Dần dần cải thiện chỉ số men gan, tăng tính thải độc cho gan mật.

  • Linh chi giúp điều trị bệnh rụng tóc.

Linh chi giúp giảm bệnh rụng tóc thông qua điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể, khiến chức năng sinh lý nang lông ở biểu bì vùng đầu được phục hồi, cải thiện được chứng rụng tóc, giảm mệt mỏi, giảm đau đầu chóng mặt.

  • Linh chi hỗ trợ điều trị các bệnh khác.

Vì Linh chi có tác dụng nâng miễn dịch cơ thể, “phù chính” là cơ bản nên đối với các loại bệnh do khả năng miễn dịch giảm, chức năng sinh lý các cơ quan trong cơ thể suy giảm thì sử dụng Linh chi có hiệu quả.

Linh chi có tác dụng đối với bệnh ung thư giúp bệnh nhân ung thư sau giai đoạn hóa trị, xạ trị khi phối hợp với Linh chi sẽ cải thiện hồng cầu, bạch cầu, huyết sắc tố. Linh chi giúp khử các gốc tự do, bảo vệ màng tế bào, ngừa di căn cơ quan khác.

Linh chi còn hiệu quả với bệnh tiểu đường, giúp tăng lượng máu đến tuyến tụy, tăng lượng insulin tiết ra từ tụy. Linh chi giúp bệnh nhân tiểu đường giảm đường huyết, đường niệu.

Linh chi cải thiện tuần hoàn ở da, khử gốc tự do ở da giúp nhuận da, mịn da. Linh chi còn giúp giảm đau ở bệnh nhân viêm khớp mạn.

  1. 5. Chú ý đến các tác dụng khác của nấm Linh Chi khi dùng phối hợp với các thuốc khác:
  2. Thuốc chống đông máu / Thuốc ức chế tiểu cầu: Nấm Linh Chi khi dùng phối hợp với các thuốc này sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu. (tác dụng có hại)
  3. Các thuốc hóa trị liệu: Nấm Linh Chi có thể làm tăng khả năng chống oxy hóa trong huyết tương và có thể tương tác với các thuốc hóa trị liệu dựa trên các gốc tự do. (tác dụng có hại)
  4. Các chất của hệ men gan Cytochrome P450: Các chất Polysaccharide của nấm Linh Chi ức chế các chất quan trọng của hệ men gan Cytochrome P450 như CYP2E1, CYP1A2, và CYP3A nên có thể gây tích tụ các thuốc được chuyển hóa bởi các men này và làm tăng nguy cơ độc tính các thuốc sử dụng. (tác dụng có hại)

Tóm lại, nấm Linh chi có nhiều công dụng khác nhau. Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng nấm Linh chi để đạt được hiệu quả tối ưu.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Đỗ Tất Lợi (2011), “Những cây thuốc vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản thời đại.
  2. Lê Xuân Thám, Ph.D. “Nấm Linh chi Ganodermataceae tài nguyên dược liệu quý ở Việt Nam”, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật.
DMCA.com Protection Status