Hàng ngàn sinh viên Đại học bỏ học, lý do vì đâu?
Logo

Hàng ngàn sinh viên Đại học bỏ học, lý do vì đâu?

Lượt xem: 2.078 Ngày đăng: 21/12/2019

Rate this post

(GDVN) – Nhiều trường đại học tuyển sinh “vơ bèo vạt tép” là một trong những nguyên nhân khiến hàng ngàn sinh viên bỏ học

Trường đại học công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã ra văn bản cảnh báo hơn 2 ngàn sinh viên vì đã bỏ học một học kì của năm học này.

Được biết, năm ngoái hàng ngàn sinh viên của một số trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị đình chỉ học tập vì không đạt yêu cầu theo quy đinh.

Vì đâu hàng ngàn sinh viên bỏ học?

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy có nhiều lí do khác nhau khiến sinh viên bỏ học.

Vì đâu hàng ngàn sinh viên bỏ học? (Ảnh mang tính minh họa: Iuhers.com)

Thứ nhất, học sinh trung học phổ thông, đặc biệt lớp 12 thiếu định hướng nghề nghiệp vững vàng.

Hiện nay, việc hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông phần lớn do giáo viên chủ nhiệm đảm trách. Thế nhưng, rất nhiều thầy cô cũng không nắm vững thông tin về nghề và việc làm để có thể chia sẻ với học sinh.

Một số trường giao nhiệm vụ hướng nghiệp cho giáo viên không chuyên trách kiêm nhiệm (thầy cô chỉ được tập huấn một số buổi trước khi về dạy) với thời lượng 1 tiết/tháng nên không tránh khỏi việc học qua loa, học cho có.

Thông thường, học sinh lớp 12 chỉ được tập trung hướng nghiệp nhiều nhất vào thời gian khoảng tháng 3 hàng năm, khi các em bắt đầu làm hồ sơ dự thi trung học phổ thông gia,  cũng khiến các em rất bối rối.

Ngoài ra, trường nào có điều kiện mời giảng viên các trường đại học về tư vấn hướng nghiệp thì học sinh có thêm thông tin, hiểu sâu hơn về ngành nghề. Ngược lại, học sinh chịu rất nhiều thiệt thòi như đã nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh chọn học ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin, Du lịch/Nhà hàng/Khách sạn…

Học sinh theo học các ngành này như trào lưu, trong khi nhiều em không hề đam mê, thiếu năng khiếu nên sau khi vào học một thời gian, sinh viên cảm thấy chán và bỏ học.

Thứ hai, sinh viên đang dành quá nhiều thời gian cho việc đi làm thêm, kể cả những sinh viên gia đình có điều kiện kinh tế.

Trò chuyện với cựu học sinh, nay đã là sinh viên của nhiều trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi được biết, nhiều sinh viên phải đi làm thêm mới có tiền trang trải cho việc học.

Nhưng có nhiều em gia đình khá giả cũng đi làm vì các em muốn có thêm tiền để mua quần áo đẹp, điện thoại xịn…

Lứa tuổi mười tám đôi mươi bây giờ, rất nhiều sinh viên ăn chơi để tỏ ra sành điệu, nhất là các thành phố lớn. Là sinh viên, nhưng không hiếm em có điện thoại iPhone đắt tiền, trang phục hàng hiệu, đi xe tay ga đời mới.

Sinh viên đi làm thêm quá nhiều cộng với đua đòi nên các em không đủ thời gian, sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ học tập.

Hơn nữa, sinh viên đa phần sống xa gia đình, không ai nhắc nhở, quản lí cũng làm cho nhiều em sa vào chơi bời trượt dốc.

Một đồng nghiệp dạy trường trung học phổ thông tư thục có tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh kể với chúng tôi, thầy có nhiều cựu học sinh đang học ở một số trường đại học bị đình chỉ học tập, dù trước đó có em đầu vào điểm rất cao.

Thầy chia sẻ, 3 năm học cấp ba, học sinh bị bốn bức tường của trường nội trú bao quanh nên các em không hiểu nhiều nhịp sống đô thị.

Khi tốt nghiệp cấp 3, nhiều em vẫn như “gà công nghiệp”, và khi có dịp ra xã hội ở chốn thị thành, sinh viên dễ bị sa ngã vì thiếu kĩ năng sống.

Thứ tư, những năm gần đây, rất nhiều trường đại học tuyển sinh theo kiểu “vơ bèo vạt tép”, nghĩa là chỉ coi trọng số lượng, chạy theo chỉ tiêu mà quên đi chất lượng.

Một điều dễ nhận thấy, từ trường đại học công lập cho đến tư thục đều tuyển sinh theo phương thức xét tuyển học bạ bên cạnh phương thức xét điểm thi từ kì thi trung học phổ thông quốc gia.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cho phép các trường đại học tuyển sinh theo phương thức xét học bạ không quá 50% chỉ tiêu.

Thế nhưng, rất nhiều trường vẫn bất chấp tuyển sinh đa phần bằng điểm số học bạ, trong khi việc thanh kiểm tra còn rất lỏng lẻo, thiếu giám sát.

Nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm lớp 12, chúng tôi thấy rằng, hầu như học sinh sau khi tốt nghiệp đều có có thể trúng tuyển vào đại học nhờ xét điểm học bạ, kể các những em có học lực trung bình.

Và kiến thức đào tạo ở bậc đại học hàn lâm, mang tính chuyên sâu, đòi hỏi sinh viên phải có khả năng tự nghiên cứu, cho nên nhiều em đuối sức. Hậu quả, hàng loạt sinh viên phải rời ghế giảng đường khi đang là năm nhất vì không thể theo kịp chương trình.

Đó là một trong những lí do khiến hàng ngàn sinh viên ở Thành phố Hồ Chí Minh (và kể cả các địa phương khác) bỏ học mỗi năm.

Thực trạng này rất đáng trăn trở…

Nguồn internet

DMCA.com Protection Status