Kỹ thuật hút đờm là gì? Mục đích, các bước thực hiện và lưu ý
Lượt xem: 3.670 Ngày đăng: 22/04/2024
Đờm là chất nhầy được tạo từ niêm mạc đường hô hấp với tác dụng làm ẩm và giữ vi khuẩn, bụi bẩn. Tuy nhiên, nếu cơ thể tiết ra quá nhiều đờm có thể gây ngạt và ảnh hưởng hệ hô hấp của người bệnh. Lúc này, kỹ thuật hút đờm được áp dụng để giải quyết vấn đề này bởi các Bác sĩ, Điều dưỡng viên.
Mục lục
1. Kỹ thuật hút đờm là gì?
Kỹ thuật hút đờm là một kỹ thuật Y tế sử dụng máy hút để tạo áp lực, làm sạch những chất làm tắc nghẽn và khai thông đường hô hấp. Kỹ thuật này được thực hiện với cả thông đường hô hấp trên (mũi, hầu họng) và đường hô hấp dưới (từ hầu thanh quản đến phế quản). Những đối tượng được áp dụng kỹ thuật này bao gồm:
- Người bệnh có nhiều đờm nhớt trong khoang miệng không tự khạc được.
- Người bệnh đặt ống nội khí quản hoặc mở khí quản.
- Người bệnh hôn mê.
- Lấy đờm xét nghiệm.
- Trước khi đặt hoặc rút ống nội khí quản hoặc mở khí quản.
- Trẻ nhỏ bị sặc bột hoặc người bệnh hít phải chất nôn.
- Trẻ sơ sinh mới đẻ.
2. Mục đích khi thực hiện hút đờm
Thông qua những đối tượng chính ở trên, bạn đọc cũng đã phần nào hiểu được mục đích khi thực hiện kỹ thuật hút đờm là gì. Mục tiêu quan trọng nhất là làm sạch dịch tiết, thông đường hô hấp và hỗ trợ bệnh nhân lưu thông trao đổi khí. Nhờ vậy mà tình trạng hô hấp sẽ không chuyển biến xấu và tránh được nhiễm khuẩn do tích tụ.
Bên cạnh đó, hút đờm còn được thực hiện khi bác sĩ, Điều dưỡng viên muốn đánh giá tình trạng bệnh nhân. Màu sắc, tính chất đờm,… sẽ là những tiêu chí quan trọng được chú ý đến khi thực hiện xét nghiệm, phân tích. Hút đờm cũng được thực hiện để kích thích phản xạ ho của bệnh nhân hoặc trẻ sơ sinh.
Xem thêm: Chi tiết về kỹ thuật tiêm bắp, vị trí cụ thể và lưu ý khi thực hiện
3. Các bước thực hiện kỹ thuật hút đờm
Để có thể thực hiện kỹ thuật này được hiệu quả, hãy tham khảo ngay chi tiết các bước dưới đây.
3.1 Chuẩn bị
Dụng cụ
- 2 ống hút đờm vô khuẩn cỡ thích hợp.
- Găng tay vô khuẩn.
- Gạc miếng, bơm kim tiêm 10ml.
- Nước cất vô khuẩn.
- Máy hút và ống dây nốt.
- Khăn bông nhỏ, xô đựng dung dịch khử khuẩn.
- Xô đựng rác thải Y tế.
- Hồ sơ bệnh án.
- Giấy lót hoặc khăn lông (nếu cần).
Chuẩn bị người bệnh
Trước khi tiến hành kỹ thuật hút đờm, bệnh nhân cần được chuẩn bị về tư tưởng khi tiến hành thủ thuật. Điều dưỡng viên hoặc bác sĩ sẽ thông báo, giải thích giúp bệnh nhân yên tâm. Bên cạnh đó, nhận định tình trạng bệnh nhân cũng là một khâu rất quan trọng. Một số vấn đề về người bệnh đánh giá bao gồm:
- Tri giác tỉnh, lơ mơ hay đang hôn mê.
- Tự thở, thở oxy, thở máy.
- Thở hỗ trợ qua ống nội khí quản hay canuyn mở khí quản.
- Tình trạng hô hấp.
- Lượng đờm tiết ra là nhiều hay ít.
Bên cạnh đó, Điều dưỡng viên cũng sẽ chuẩn bị giường bệnh, phòng bệnh thật sạch sẽ, yên tĩnh và thoáng cho bệnh nhân. Người bệnh cũng sẽ có tâm thế thoải mái khi thực hiện kỹ thuật hút đờm hơn.
Chuẩn bị Điều dưỡng
- Trang phục Y tế đầy đủ.
- Rửa tay và đeo găng tay Y tế.
- Chuẩn bị các dụng cụ cần thiết theo Y lệnh của bác sĩ.
3.2 Tiến hành
- Hướng dẫn bệnh nhân ho, thở sâu và vỗ rung để làm long đờm, dịch xuất tiết.
- Bật máy, kiểm tra hệ thống hút và điều chỉnh áp lực phù hợp.
- Nếu bệnh nhân đang thở máy, người thực hiện sẽ tiến hành tăng lưu lượng oxi.
- Trải khăn để tránh dịch tiết dính ra trang phục người bệnh.
- Mở khay vô khuẩn, bóc bơm kim tiêm vào khay vô khuẩn.
- Hút nước cất cho vào bơm tiêm.
- Bóc ống hút trong túi vô khuẩn và nối vào hệ thống hút.
- Đưa cửa sổ ống hút nhẹ nhàng vào ống nội khí quản hoặc mở khí quản.
- Thực hiện hút với thời gian không quá 15 giây.
- Đóng cửa sổ ống hút, đánh giá màu sắc và tính chất của đờm.
- Bơm nước cất nếu đờm đặc.
- Lặp lại liên tục đến khi sạch và theo dõi bệnh nhân xuyên suốt quá trình.
- Hút nước tráng ống, tháo ống hút và ngâm vào dung dịch khử khuẩn.
- Lấy ống hút mới, nối ống với hệ thống hút.
- Đưa ống hút vào mũi hút 1-2 lần.
- Hút đờm trong miệng.
- Tráng ống với nước muối, tháo và ngâm ống hút trong dung dịch khử khuẩn.
- Tắt máy hút, vệ sinh cho người bệnh.
- Hỗ trợ người bệnh có tư thế thoải mái.
- Đánh giá và dặn dò người bệnh những vấn đề quan trọng.
Xem thêm: Kỹ thuật tiêm dưới da: Khái niệm, ưu nhược điểm, quy trình và lưu ý
Chi tiết quy trình thực hiện kỹ thuật tiêm trong da và lưu ý đi kèm
4. Một số lưu ý khi hút đờm nhớt cho bệnh nhân
Khi thực hiện kỹ thuật hút đờm, người thực hiện cần lưu ý một số vấn đề dưới đây để đảm bảo độ an toàn và hiệu quả của kỹ thuật.
4.1 Tai biến có thể xảy ra
Mặc dù là kỹ thuật Y tế cơ bản nhưng kỹ thuật cũng tiềm ẩn rủi ro nếu không được thực hiện đúng kỹ thuật, đảm bảo vô khuẩn. Dưới đây là một số tai biến nguy hiểm có thể xảy ra mà bạn đọc cần lưu ý.
- Rối loạn nhịp tim, ngừng tim, ngừng thở.
- Suy hô hấp do bị hút hết oxy.
- Nhiễm khuẩn do kỹ thuật không đảm bảo vô khuẩn.
- Kích thích quá nhiều gây tăng áp lực nội sọ.
- Xây xát, chảy máu đường hô hấp do áp lực hút quá mạnh hoặc đưa vào quá mạnh bạo.
- Làm co thắt cơ khí phế quản do cơ địa người bệnh hoặc hút quá lâu.
4.2 Sử dụng dụng cụ phù hợp
Sonde hút đờm kín
- Người lớn cỡ sonde từ 12-18 Fr.
- Trẻ lớn cỡ sonde từ 8-10 Fr.
- Trẻ nhỏ cỡ sonde từ 5-8 Fr.
Máy hút hoặc nguồn áp lực âm có thể điều chỉnh mức áp lực
- Người lớn áp lực âm từ 80-120mmHg.
- Trẻ lớn áp lực âm từ 60-80mmHg.
- Trẻ sơ sinh áp lực âm từ 40–60mmHg.
4.3 Kỹ thuật thực hiện
Người thực hiện nên điều chỉnh áp lực hút theo đúng như độ tuổi cũng như tình trạng bệnh. Với đối tượng bị suy tim, tuyệt đối không vỗ rung để ngăn ngừa rủi ro nguy hiểm. Bên cạnh đó, kỹ thuật hút đờm phải đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối với thời gian mỗi lần không quá 15 giây và không làm quá 5 lần/đợt.
Kỹ thuật hút đờm là một kỹ thuật Y tế quan trọng để hỗ trợ bệnh nhân có thể hô hấp bình thường và phục vụ khám chữa bệnh. Cảm ơn bạn đọc đã tham khảo bài viết trên từ Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội. Theo dõi thêm các bài viết tiếp theo để cập nhật thêm kiến thức xoay quanh lĩnh vực Y Dược.
TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y DƯỢC TUỆ TĨNH HÀ NỘI
http://tuetinh.edu.vn/
http://tuyensinh.tuetinh.edu.vn/
https://facebook.com/truongtuetinhhanoi