Mẹ Đỗ Nhật Nam chia sẻ 5 bí quyết để trẻ đối mặt với web xấu
Lượt xem: 1.762 Ngày đăng: 16/03/2019
“Mạng internet cũng như cuộc đời, có mặt tốt và mặt xấu. Do đó, không thể cấm con tiếp xúc với thế giới rộng lớn như kiểu cấm đi ra đường vì giao thông nhiều hiểm họa. Vấn đề với lứa tuổi nào, cần giúp trẻ có cách tiếp cận để con hiểu những cái xấu trên internet”.
Chia sẻ trên được chị Phan Hồ Điệp – giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt (Đại học Sư phạm Hà Nội), mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam đưa ra trong một sự kiện diễn ra ngày 15/3 tại Hà Nội.
Giao thiết bị điện tử cho con để “rảnh tay”
Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh rất lo ngại về một số clip dành cho trẻ em trên Youtube có nội dung xấu. Đặc biệt là thử thách Momo, các nhân vật hoạt hình bị xuyên tạc với nhiều hành động bạo lực, thậm chí xúi giục trẻ em tự tử…
Mặc dù cha mẹ được khuyến cáo về những nội dung nguy hại trên internet nhưng rất khó kiểm soát được mọi hoạt động của con trong môi trường internet đầy rẫy cạm bẫy.
Chị Phan Hồ Điệp cho rằng, mạng internet cũng như cuộc đời, có mặt tốt và mặt xấu. Do đó, không thể cấm con như kiểu cấm đi ra đường vì giao thông nguy hiểm.
Theo mẹ Nhật Nam, vấn đề với lứa tuổi nào, cần giúp trẻ có cách tiếp cận, để con hiểu những cái xấu trên internet. Thay vì cấm cản, bố mẹ nên dạy con cách vượt qua những thách thức.
“Chẳng hạn tôi gặp nhiều hiện tượng, bố mẹ ngồi cùng con nhưng hai người dùng hai chiếc điện thoại, còn con một cái máy hoặc thiết bị điện tử khác để bố mẹ “rảnh tay”. Nhiều gia đình đưa thiết bị điện tử hoặc xem internet trở thành phần thưởng cho con, dùng thiết bị điện tử để “dụ dỗ” con ăn nhanh…
Các hiện tượng trên, mặc dù có bố mẹ ngồi bên cạnh nhưng tôi cho rằng vẫn bỏ rơi con vì phụ huynh không kiểm soát được những gì con đang xem, không quản lý được về mặt thời gian và cũng không chỉ dẫn rõ ràng cho con trong quá trình sử dụng mạng.
Điều đó khiến trẻ bị hoang mang hoặc bị dẫn dụ vào những nội dung không tốt”, chị Điệp cho biết.
5 giải pháp để con đối mặt với web xấu
Để con đối mặt với web xấu, trên kinh nghiệm và qua hành trình nuôi dạy Đỗ Nhật Nam, chị Điệp đưa ra một số lời khuyên dành cho cha mẹ.
Thứ nhất, không sử dụng thiết bị điện tử làm phần thưởng cho con hoặc làm công cụ để được rảnh tay hơn trong việc chăm sóc con cái.
Thứ hai, để tránh con “đối mặt” với những điều xấu xí trên internet, chị Điệp thường làm một bản cam kết với con về thời gian sử dụng internet. Điều này cần được theo dõi nghiêm ngặt hàng ngày. Nếu hôm nay cho con sử dụng 20 phút rồi ngày mai lại thả cho dùng thoải mái thì sẽ không có tác dụng.
Thứ ba, nên có hướng dẫn sử dụng và ghi chú rõ ràng và dán ở vị trí nào đó để con dễ nhận thấy.
Chẳng hạn, chị Điệp làm một bản hợp đồng dán ở ngay máy tính Đỗ Nhật Nam sử dụng, trong đó có những điều khoản liên quan đến việc bố mẹ được quyền biết lịch sử mà con đã truy cập và được quản lý về mặt thời gian.
Thứ tư, hãy dạy con đối mặt với những cái xấu vì bất kỳ ai cũng không thể lẩn tránh nó. Chị Điệp đưa ra ví dụ về thử thách Momo đang khiến nhiều người lo sợ và cho rằng bố mẹ có thể trực tiếp nói chuyện với con, hỏi xem chúng cảm thấy thế nào về nhân vật này, sẽ làm gì khi tình cờ bắt gặp khi vào Internet hay nghĩ thế nào khi bắt gặp những thử thách mang tính dẫn dụ làm điều tổn hại đến bản thân ra sao…
Cuối cùng, chị Điệp nhấn mạnh, bố mẹ cần luôn luôn ở bên cạnh để đặt câu hỏi về những gì con đã thực hiện hoặc đã làm trên Internet. “Đó không chỉ là cách để giúp con hạn chế tiếp xúc với nội dung xấu mà còn thể hiện sự cầu thị, lắng nghe chia sẻ từ con. Mình không ngăn cấm con nhưng mình có giao nhiệm vụ để con cố gắng hoàn thành sau khi sử dụng internet và nếu không thực hiện được thì ngày hôm sau sẽ cắt khoảng thời gian vào internet của con”, chị Điệp chia sẻ.
Cũng theo giáo viên này, công cụ trong tay các bố mẹ, trừ phi bố mẹ bỏ rơi nó, không có thiết chế để quản lý mới gây hại cho trẻ.
Được biết, Đỗ Nhật Nam đã khai thác thế giới mạng để học tập bởi con không học thêm tiếng Anh ở trung tâm. Đến bây giờ, gia đình chị Điệp vẫn cảm ơn thế giới mạng vì chúng đã trở thành công cụ giúp con học tập.
Mỹ Hà
(Dantri)