Một số bất lợi khi dùng thuốc “bổ khớp” của người dân trở nên phổ biến.
Logo

Một số bất lợi khi dùng thuốc “bổ khớp”

Lượt xem: 2.107 Ngày đăng: 22/04/2019

Rate this post
 Hiện nay, ở nước ta các bệnh lý về xương khớp có xu hướng ngày càng gia tăng. Việc mua, sử dụng các thuốc “bổ khớp” của người dân trở nên phổ biến.

Thế nhưng bên cạnh tác dụng tốt đối với khớp,  thì người dùng cũng cần chú ý tới những bất lợi có thể xảy ra khi dùng các sản phẩm này.

Glucosamin

Trong bệnh thoái hóa khớp, các tế bào sụn khớp bị thoái hóa và mất cân bằng chuyển hóa dẫn đến mất khả năng tổng hợp proteoglycan cấu tạo nên sụn khớp làm cho sụn khớp dần dần bị phá hủy. Thuốc glucosamin có tác dụng kích thích tế bào sụn tăng sinh tổng hợp proteoglycan; cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp và làm sụn khớp trơn tru hơn; kích thích cơ thể sản xuất các sợi collagen; bảo vệ sự đàn hồi của khớp giúp tái tạo sụn khớp; ức chế một số enzym phá hủy sụn khớp và các enzym kích hoạt phản ứng viêm.

Tuy nhiên, khi dùng glucosamin người bệnh cũng có thể gặp một số tác dụng phụ như: rối loạn dạ dày – ruột (đầy hơi, trướng bụng khó tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón); những người có bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp… cần thận trọng khi dùng glucosamin. Glucosamin làm giảm tiết insulin hay tác động đối với đường huyết vẫn chưa được chứng minh rõ ràng, nhưng glucosamin là một đường amino nên bệnh nhân đái tháo đường cần thận trọng và kiểm tra đường huyết thường xuyên khi sử dụng. Glucosamin thường được chiết xuất từ vỏ tôm cua nên những thông tin sử dụng đều cho rằng không nên sử dụng cho những người dị ứng với hải sản. Tuy nhiên, hầu hết nguyên nhân dị ứng là do protein trong thức ăn, không phải do carbohydrate được chiết xuất từ chitin trong vỏ tôm cua. Mặc dù vậy, người dùng nên trao đổi với bác sĩ về tình trạng dị ứng trước khi dùng glucosamin.

mot-so-bat-loi-khi-dung-thuoc-bo-khop-1

Cảnh giác với bất lợi của thuốc “bổ khớp”.

Chondroitin

Là chất cơ bản của sụn khớp có tác dụng dinh dưỡng cho sụn khớp. Nó hoạt động bằng cách giữ nước, thêm dịch bôi trơn và tính linh hoạt cho các mô và khớp Đây cũng là một chất hỗ trợ bổ sung được người dùng tìm kiếm để “bổ khớp”. Tuy nhiên, cần lưu ý, chondroitin có thể  gây ra một số bất lợi như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, ngứa, nổi mề đay… Không được sử dụng chondroitin cùng với thuốc chống đông máu, NSAID (thuốc chống viêm không steroid) hoặc các thuốc salicylat vì sẽ tăng nguy cơ chảy máu.

Piascledine

Là chất chiết tách không xà phòng hóa của quả bơ và đậu nành, có tác dụng thay đổi cấu trúc của sụn khớp, ngăn ngừa thoái hóa sụn khớp và xương dưới sụn. Thuốc làm giảm tổng hợp các cytokinase, prostanoid, men tiêu protein, làm giảm nhẹ tác động hủy hoại của IL-1b lên sụn khớp. Thuốc có nguồn gốc thực vật nên dễ dụng nạp và ít tác dụng phụ. Các tác dụng phụ có thể gặp như đau bụng, tiêu chảy. Nếu gặp các tác dụng phụ này người bệnh cần dừng thuốc và thông báo cho  bác sĩ điều trị để có hướng xử trí phù hợp.

Acid hyaluronic

Trong dịch khớp thoái hóa, nồng độ acid hyaluronic nhỏ hơn bình thường (0,8-2mg/ml so với bình thường là 2,5-3,5mg/ml). Trọng lượng phân tử của acid hyaluronic trong dịch khớp thoái hóa cũng thấp hơn (0,4-4 Mega Dalton so với bình thường là 4-5 Mega Dalton). Bổ sung acid hyaluronic có trọng lượng phân tử cao vào ổ khớp thoái hóa sẽ tạo ra được một “độ nhớt bổ sung” thực sự.

Thuốc dùng tiêm nội khớp để tăng độ nhớt được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện. Hiện có một số chế phẩm acid hyaluronic dạng uống được điều chế dưới dạng thực phẩm chức năng giúp tăng cường dịch khớp.

Axit hyaluronic có thể gây tác dụng phụ như dị ứng.Vì vậy nếu bạn bị dị ứng với axit hyaluronic cần tránh dùng thuốc này.

Chế phẩm omega 3

Trong cơ thể, acid béo tồn tại ở 3 dạng là: cholesterol, triglycerid và phospholipid (có nhiều ở màng tế bào, đặc biệt là tế bào não) và được chia thành hai loại: acid béo no (chỉ có nối đơn giữa các nguyên tử carbon) và acid béo không no (có nối đôi giữa các nguyên tử carbon, gọi là omega (ω). Trong đó, nối đôi ở C3 gọi là ω3 như EDH và DHA, nối đôi ở C6 gọi là ω6 như acid arachidonic). Các ω  (ω3 và ω6) tham gia vào cấu trúc tế bào, và có tỷ lệ thích hợp là ω3/ω6 = 1-2/1, nếu ω6 chiếm ưu thế sẽ thúc đẩy quá trình tổng hợp tạo các prostaglandin gây viêm. Nếu bổ sung ω3 để duy trì tỷ lệ ω3/ω6 thích hợp sẽ tạo ra sự cân bằng trong tổng hợp prostaglandin đủ để duy trì các chức năng của cơ thể. Trong tự nhiên ω3 có nhiều trong hải sản và dầu cá.

Sử dụng các chế phẩm ω3 trong bệnh viêm khớp dạng thấp: Làm giảm viêm khớp (đặc biệt là khi đưa thuốc vào khớp bằng phương pháp siêu âm dẫn thuốc), làm giảm liều các thuốc chống viêm.

Tóm lại, các nhóm thuốc trên có thể làm thay đổi cấu trúc và chức năng của sụn khớp và dịch khớp nên giúp cải thiện tình trạng của khớp trong các bệnh lý sụn khớp. Tuy nhiên các nhóm thuốc này chỉ phát huy tác dụng và hiệu quả khi người bệnh sử dụng dưới sự hướng dẫn và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc chuyên khoa cơ xương khớp. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng và điều trị ở những cơ sở không có chuyên môn rất nguy hiểm, có thể gặp nhiều biến chứng khôn lường.

 

BS. Mai Trung Dũng

(Suckhoedoisong)

DMCA.com Protection Status