Nhiều trường ĐH Y dược sẽ tuyển sinh riêng nếu không thi THPT quốc gia 2020
Lượt xem: 1.489 Ngày đăng: 17/04/2020
Lãnh đạo một số trường đại học khối Y dược cho biết, nếu không thi THPT quốc gia, trường sẽ tổ chức thi riêng bởi cần một công cụ đánh giá chính xác để tuyển sinh.
Cần công cụ chính xác để tuyển sinh
Ngày 16/4, Trường ĐH Y dược Hải Phòng tổ chức họp về công tác tuyển sinh năm 2020 để sẵn sàng ứng phó với các quyết định liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia.
PGS.TS Nguyễn Văn Khải – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hai phương án được đưa ra: Nếu kỳ thi THPT quốc gia vẫn diễn ra thì việc tuyển sinh tiến hành bình thường như mọi năm.
Nếu không thi THPT quốc gia, trường sẽ tự tổ chức thi riêng theo khối truyền thống là A, B.
“Nếu tổ chức thi riêng, công tác chuẩn bị sẽ cần nhiều thời gian và việc có một bộ đề phù hợp với năng lực của học sinh năm nay, vừa đáp ứng yêu cầu của ngành nghề đào tạo là thách thức lớn.
Do đó, thuận lợi nhất là kỳ thi THPT quốc gia vẫn diễn ra, khi dịch bệnh đã kiểm soát.
Như thế, mọi việc từ xây dựng phương án tuyển sinh đến công tác chuẩn bị của các nhà trường và tâm lý, việc ôn tập của thí sinh đều sẽ không bị xáo trộn”, PGS.TS Nguyễn Văn Khải nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Tú – Hiệu phó trường ĐH Y Hà Nội cho biết, khối trường Y dược với yêu cầu đầu vào cao, cần một công cụ chính xác để tuyển sinh.
Do vậy, nếu kỳ thi THPT quốc gia 2020 vẫn được tổ chức, đảm bảo tính phân loại, thì rất tốt cho các trường khối.
Nếu bất khả kháng kỳ thi năm nay không thể diễn ra, không chỉ khối Y dược mà nhiều trường đại học khác cũng sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh do thời gian chuẩn bị phương án mới không nhiều.
Học bạ THPT chưa đủ đảm bảo
Lãnh đạo trường ĐH Y dược Hải Phòng, trường ĐH Y dược – ĐH Huế và một số trường khác trong khối ngành này đều cho biết, không có ý định chỉ xét học bạ THPT để tuyển sinh, nếu năm 2020 kỳ thi THPT quốc gia không diễn ra.
Lý do phương thức này chưa đủ để đảm bảo chất lượng, sự công bằng cho thí sinh. Bởi lẽ, việc đánh giá giữa các vùng miền, thậm chí giữa các trường học trong cùng một khu vực có sự không tương đồng.
Học sinh có thể đạt học lực giỏi ở trường này nhưng với năng lực đó ở trường khác, chỉ được đánh giá loại khá.
“Xét học bạ 3 năm THPT đảm bảo được rằng năng lực học tập của học sinh là ổn định và hạn chế ảnh hưởng nếu kết quả năm học cuối bị thay đổi.
Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng phương thức này để xét tuyển thì không công bằng trong đánh giá giữa các vùng miền, vì có thể ở trường này học sinh có học lực giỏi nhưng sang trường khác thì không đạt. Điểm 9 ở trường chuyên sẽ khác điểm 9 ở trường thường.
Giữa các trường THPT khác, việc đánh giá kết quả học tập của học sinh cũng có sự không tương đồng”, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường ĐH Y dược Thái Nguyên – PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.
Trưởng Phòng Đào tạo và công tác học sinh sinh viên, Khoa Y dược – ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, việc xét tuyển diện rộng bằng học bạ THPT sẽ không đảm bảo tính chính xác, khách quan.
Những năm gần đây, dù sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh nhưng khoa Y dược vẫn dành khoảng 80% chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả thi THPT quốc gia. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020 dự kiến tỷ lệ này vẫn giữ ổn định.
Nếu vì lý do bất khả kháng, kỳ thi THPT không thể diễn ra, Khoa Y dược sẽ áp dụng phương án tuyển sinh được ĐH Quốc gia Hà Nội quyết định. Đó rất có thể là kỳ thi đánh giá năng lực mà đại học này từng tổ chức.
Tuy nhiên, thuận lợi nhất vẫn là Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020 để đảm bảo tính ổn định trong thi và xét tuyển.
Mong sớm công bố phương án thi THPT quốc gia 2020
Cũng khẳng định việc xét học bạ không đảm bảo yêu cầu để tuyển sinh cho khối ngành Y dược, GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy – Hiệu trưởng trường ĐH Y dược – ĐH Huế cho rằng, trong tình huống không thi THPT quốc gia, khối ngành này cấp thiết phải tổ chức kỳ thi riêng.
Thực tế thời gian trước, các trường trong khối từng họp bàn về ý tưởng tổ chức kỳ thi riêng cho khối này, để tuyển sinh những năm sau.
Nếu kỳ thi THPT quốc gia 2020 không tổ chức, việc thi riêng có thể được đẩy nhanh ở cả khối trường hoặc một số trường.
Tuy nhiên, sẽ có nhiều thách thức trong tổ chức, nhất là việc xây dựng được bộ đề thi đảm bảo chất lượng.
Phương án thi THPT quốc gia, theo GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy, vẫn là thuận lợi và khách quan nhất cho công tác tuyển sinh của các trường khoa học sức khoẻ trong năm nay.
“Các quốc gia bỏ kỳ thi quốc gia như Anh, Pháp đều có truyền thống đảm bảo chất lượng ở bậc phổ thông, ổn định trong nhiều năm và tương đồng đánh giá giữa các vùng miền.
Việt Nam chúng ta, nếu có thể được thì vẫn nên tổ chức thi THPT quốc gia khi dịch bệnh đã kiểm soát tốt, để đảm bảo công bằng cho thí sinh. Bất khả kháng mới nên dừng tổ chức kỳ thi này” GS. TS Nguyễn Vũ Quốc Huy nói.
Hiệu trưởng trường ĐH Y dược – ĐH Huế cho rằng, nếu tiếp tục tổ chức thi THPT quốc gia năm 2020, Bộ GD&ĐT có thể tính toán để giảm số môn thi, số bài thi, giảm một số yêu cầu cần đạt khác… để phù hợp với thực tế dạy học, thuận lợi cho thí sinh và các trường đại học trong xét tuyển.
Phương án chính thức liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2020 này, cần được sớm công bố để học sinh và các nhà trường an tâm, chủ động chuẩn bị.
Mốc thời gian quyết định việc thi hay không thi nên là 15/5 thay vì 15/6 nếu học sinh đi học trở lại, để có đủ thời gian cho việc dạy học, ôn tập, đảm bảo chất lượng.
“Chúng tôi rất sốt ruột và mong muốn sớm có thông báo chính thức về kỳ thi THPT quốc gia này”, GS. TS Nguyễn Vũ Quốc Huy nói.
Quỳnh Nguyễn
(Dantri)