Các phương pháp vật lý trị liệu hiệu quả cao
Logo

Các phương pháp vật lý trị liệu hiệu quả cao

Lượt xem: 61 Ngày đăng: 28/04/2025

Rate this post

Trong những năm gần đây, các phương pháp vật lý trị liệu đã nhận được sự quan tâm lớn từ các bác sĩ nhờ những hiệu quả tích cực mà phương pháp này đem lại cho người bệnh. Tuy không phải là một phương pháp mới trong y học, nhưng thực tế vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ hết chức năng và lợi ích của nó. Hãy cùng Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh tìm hiểu chi tiết các phương pháp qua bài viết này nhé.

1. Thế nào là vật lý trị liệu?

Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị nội khoa không xâm lấn, mang lại hiệu quả cao trong quá trình chữa bệnh. Các tác nhân vật lý được ứng dụng trong nhiều loại bệnh lý khác nhau, đặc biệt phổ biến trong điều trị các vấn đề về cơ xương khớp. 

Thông thường, vật lý trị liệu được kết hợp song song với các phương pháp điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa nhằm tăng cường hiệu quả và rút ngắn thời gian phục hồi chức năng cơ thể. Đối với các bệnh lý cơ xương khớp, phương pháp này còn có tác dụng quan trọng trong việc ngăn ngừa tình trạng teo cơ ở người bệnh.

Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị nội khoa không xâm lấn
Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị nội khoa không xâm lấn

2. Khi nào bạn cần tìm đến các phương pháp vật lý trị liệu?

Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề dưới đây và mỗi ngày vẫn phải “chiến đấu” với chúng, đừng chần chừ, hãy tìm đến vật lý trị liệu. Đây chính là vị cứu tinh giúp bạn phục hồi hiệu quả:

  • Các bệnh lý thần kinh – cơ: Chấn thương sọ não, bại não, tổn thương tủy sống, đột quỵ,…
  • Các bệnh lý cơ – xương – khớp: Gãy xương, thoái hóa cột sống, vẹo cột sống, gai cột sống, tổn thương dây chằng,…
  • Các bệnh lý hô hấp và tim mạch: Viêm phổi, hen phế quản, tắc nghẽn phổi mãn tính,…
  • Bệnh bẩm sinh: Chậm phát triển trí tuệ, viêm màng não, các dị tật bẩm sinh,…
  • Hậu phẫu thuật: Sau phẫu thuật, một số bộ phận cơ thể có thể chưa hoạt động bình thường. Các bài tập vật lý trị liệu lúc này chính là phương pháp tối ưu, hỗ trợ bạn lấy lại sự linh hoạt, tăng sức mạnh cơ bắp và phục hồi chức năng.

3. Các phương pháp vật lý trị liệu phổ biến

Vật lý trị liệu sở hữu nhiều phương pháp khác nhau, giúp bác sĩ dễ dàng lựa chọn hướng can thiệp phù hợp với từng tình trạng bệnh lý cụ thể. 

3.1. Kéo giãn cột sống bằng tác nhân cơ – động học

Phương pháp vật lý trị liệu tác nhân cơ – động học kéo giãn
Phương pháp vật lý trị liệu tác nhân cơ – động học kéo giãn

Đây là phương pháp sử dụng lực cơ học nhằm làm giãn các khoang giữa các đốt sống, thông qua việc tác động một lực phù hợp lên cột sống. Từ đó, giúp bệnh nhân:

  • Giảm áp lực lên nhân nhầy của đĩa đệm dù các đốt sống được kéo giãn ra. Đồng thời, thúc đẩy quá trình thẩm thấu dưỡng chất và làm giảm diện tích lồi ra của đĩa đệm.
  • Giúp điều chỉnh sự lệch trục giữa các đốt sống và cải thiện tình trạng cong vẹo cột sống, từ đó hạn chế nguy cơ đau do chèn ép thần kinh.
  • Làm giãn cơ, giảm đau và hỗ trợ điều chỉnh các sai lệch ở cột sống.

Theo các chuyên gia, đây là một trong những kỹ thuật vật lý trị liệu tại nhà dễ áp dụng nhất. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tập luyện với sự hỗ trợ của thiết bị chuyên dụng và sự hướng dẫn của kỹ thuật viên trong giai đoạn đầu để đảm bảo hiệu quả tối ưu. Phương pháp này đặc biệt phù hợp với các bệnh lý như đau lưng, cong vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm hoặc lồi đĩa đệm,…

3.2. Phương pháp vận động trong vật lý trị liệu

Phương pháp vận động được nhiều bệnh nhân lựa chọn để phục hồi chức năng, nhờ những tác dụng như:

  • Hỗ trợ điều hòa khả năng vận động.
  • Phục hồi chức năng khớp và cải thiện sự linh hoạt.
  • Tăng cường sức mạnh cơ bắp và nâng cao sức chịu đựng của cơ thể.
Phương pháp vận động kết hợp tạ để tăng lực
Phương pháp vận động kết hợp tạ để tăng lực

Bên cạnh đó, sự đa dạng trong kỹ thuật vận động cũng giúp quá trình điều trị đạt được hiệu quả tích cực hơn, bao gồm:

  • Vận động thụ động: áp dụng cho bệnh nhân mất khả năng vận động nhằm phòng ngừa teo cơ và cứng khớp.
  • Vận động chủ động: dành cho người bệnh có thể tự vận động mà không cần trợ giúp.
  • Vận động chủ động có hỗ trợ: sử dụng khi bệnh nhân còn yếu, cần được hỗ trợ bởi dụng cụ hoặc kỹ thuật viên.
  • Vận động có trợ lực: kết hợp cùng các thiết bị hỗ trợ như lò xo, tạ,… để gia tăng lực và khả năng chịu đựng của cơ thể.
  • Vận động kết hợp động tác: luyện tập phối hợp với các hoạt động như đạp xe, đi bộ,… rất hiệu quả khi thực hiện vật lý trị liệu tại nhà.

3.3. Giảm đau và hỗ trợ phục hồi bằng tác nhân vật lý

Tác nhân vật lý là phương pháp trị liệu thụ động, thường chỉ mang tính hỗ trợ tạm thời nhưng lại có hiệu quả nhanh chóng trong việc giảm đau. Một số liệu pháp vật lý trị liệu phổ biến sử dụng các tác nhân vật lý bao gồm:

  • Liệu pháp nhiệt (nóng hoặc lạnh): Trị liệu bằng nhiệt nóng giúp giãn mạch máu tại chỗ hoặc toàn thân thông qua phản xạ thần kinh, làm giảm đau và viêm, hỗ trợ phục hồi tổn thương. Ngược lại, trị liệu bằng nhiệt lạnh giúp co mạch, làm giảm dẫn truyền thần kinh và chuyển hóa tại chỗ.
  • Liệu pháp nước: Sử dụng các đặc tính của nước để tác động tích cực lên mô cơ thể, hỗ trợ chữa lành tổn thương.
  • Liệu pháp ánh sáng: Dùng bức xạ từ ánh sáng tự nhiên (như ánh nắng mặt trời) hoặc nhân tạo (như tia hồng ngoại, tử ngoại) để tiêu diệt vi khuẩn, kích thích tái tạo tế bào và hỗ trợ quá trình hồi phục.
  • Liệu pháp điện: Ứng dụng dòng điện để kích thích cơ và thần kinh, giúp cải thiện khả năng co cơ và vận động của các khớp. Đồng thời, điện trị liệu cũng thúc đẩy cơ thể sản sinh các chất dẫn truyền thần kinh tự nhiên như serotonin và endorphin, giúp giảm đau và cải thiện tâm trạng.
Hỗ trợ phục hồi bằng tác nhân vật lý
Hỗ trợ phục hồi bằng tác nhân vật lý

Vật lý trị liệu là một phương pháp điều trị nội khoa, không xâm lấn, hỗ trợ phục hồi chức năng cơ thể với hiệu quả cao. Phương pháp này có thể được áp dụng độc lập trong các trường hợp bệnh nhẹ hoặc kết hợp với các liệu pháp điều trị khác nhằm tối ưu hóa kết quả. 

Người bệnh cũng có thể thực hiện vật lý trị liệu tại nhà nếu không mắc các chấn thương nghiêm trọng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, người bệnh nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn những bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại.

DMCA.com Protection Status