Sắp xếp thuốc trong nhà thuốc: Ý nghĩa và 6 nguyên tắc cụ thể
Lượt xem: 1.434 Ngày đăng: 02/09/2024
GPP trong ngành Dược là viết tắt của cụm từ “Good Pharmacy Practices” hay Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc. Để được công nhận đạt chuẩn GPP, một yếu tố vô cùng quan trọng các nhà thuốc cần để ý là thực hiện hoạt động sắp xếp thuốc trong nhà thuốc khoa học, hiệu quả. Để làm được điều này, hãy tham khảo ngay 6 nguyên tắc được đề cập trong bài viết này.
Mục lục
1. Ý nghĩa của hoạt động sắp xếp thuốc trong nhà thuốc
Sắp xếp thuốc trong nhà thuốc là hoạt động cần được thực hiện ngay khi mở nhà thuốc và mang tính chất duy trì. Ý nghĩa của hoạt động này thể hiện qua một số phương diện dưới đây.
- Hỗ trợ Dược sĩ trong hoạt động quản lý, vận hành và kinh doanh của nhà thuốc.
- Giảm thiểu sai sót, rủi ro có thể xảy ra trong quá trình làm việc.
- Tiết kiệm thời gian tìm kiếm thuốc cho người bệnh, nâng cao hiệu suất công việc.
- Đảm bảo nhà thuốc đạt chuẩn GPP theo quy định, tiêu chuẩn.
- Loại bỏ các loại thuốc hết hạn sử dụng, hết hàng.
- Duy trì các loại thuốc, vật tư thiết yếu có chất lượng.
- Nâng cao doanh số cũng như phản hồi tích cực của khách hàng cho nhà thuốc.
2. Các nguyên tắc sắp xếp thuốc trong nhà thuốc đạt chuẩn GPP
Dưới đây là 6 nguyên tắc để thực hiện hoạt động này một cách hiệu quả, đạt chuẩn GPP.
2.1 Theo nhóm mặt hàng riêng biệt
Nguyên tắc sắp xếp thuốc trong nhà thuốc đạt chuẩn GPP đầu tiên là theo các nhóm mặt hàng riêng biệt. Mặc dù có số lượng đầu thuốc rất lớn nhưng Dược sĩ có thể chia thuốc thành các nhóm riêng biệt. Ví dụ như Dược phẩm điều trị bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thiết bị Y tế,…
Để sắp xếp được hiệu quả, nhân viên nhà thuốc có thể sử dụng những công nghệ, phần mềm hỗ trợ. Nếu không sử dụng, họ cần nhận biết các loại mặt hàng thuốc thông qua một số dấu hiệu dưới đây.
- Hộp thuốc ghi rõ số đăng ký bằng chữ – số được cấp – năm cấp.
- Ký tự đại diện cho nơi sản xuất như VN là thuốc nhập khẩu, VD, VS, V,… là thuốc sản xuất trong nước.
- Thuốc không kê đơn cần phân loại theo thông tư 23 về quy định danh mục thuốc không kê đơn.
- Thuốc kê đơn phân thành 30 nhóm dựa vào Công văn 1517/BYT-KCB.
- Nhận biết thuốc theo tên.
- Nhận biết thực phẩm chức năng với các dòng chữ: Thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng, sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh,…
2.2 Theo điều kiện bảo quản của nhóm thuốc
Thuốc sẽ gặp biến đổi tính chất tương đối lớn nếu không đảm bảo về điều kiện bảo quản. Do đó, các đơn vị nhà thuốc cần sắp xếp thuốc để bảo quản sao cho khoa học, hợp lý. Điều này có ý nghĩa đến chất lượng thuốc, công việc nhân viên cũng như đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người sử dụng. Một số điều kiện cụ thể được áp dụng có thể kể đến như:
- Điều kiện thường: Thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt,…
- Điều kiện đặc biệt (kiểm soát ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm,…): Sản phẩm thuốc có mùi, dễ bay hơi, vắc xin,…
2.3 Theo quy định chuyên môn hiện hành
Hoạt động sắp xếp thuốc trong nhà thuốc cũng có những quy định đặc biệt để đảm bảo tính an toàn, hạn chế rủi ro.
- Nhóm thuốc thuộc nhóm thuốc độc bảng A, B cần sắp xếp riêng, đựng trong ngăn tủ riêng và khóa chắc chắn.
- Hàng chờ xử lý cần xếp vào khu vực riêng và gắn nhãn.
- Với hàng dễ vỡ, chất lỏng như chai, lọ, ống tiêm,… cần xếp trong cùng, không xếp chồng lên nhau.
- Sắp xếp thuốc theo một số nguyên tắc khác như tác dụng Dược lý, công thức hóa học, hãng sản xuất,…
2.4 Đảm bảo dễ lấy, dễ thấy, dễ kiểm tra
Với đơn vị kinh doanh nhà thuốc, việc quản lý quy mô sản phẩm lớn và đa dạng như vậy sẽ tương đối khó khăn. Để hoạt động được hiệu quả, thuốc cần được sắp xếp đảm bảo dễ lấy, dễ thấy và dễ kiểm tra. Đây là nền tảng quan trọng để hoạt động bán hàng cũng như quản lý quầy thuốc được hiệu quả.
Các loại thuốc sẽ được sắp xếp gọn gàng, ngay ngắn và không chồng chéo lên nhau. Tên nhãn thuốc, tên thuốc cần hướng ra ngoài để dễ nhận biết. Việc biến dạng hàng hóa hay đổ vỡ cũng cần giảm thiểu tối đa với hàng nhẹ ở trên, nặng ở dưới.
2.5 Theo nguyên tắc FEFO và FIFO
FEFO là viết tắt của First Expired First Out hay Xuất trước khi hết hạn. Phương pháp này sẽ đảm bảo sản phẩm có ngày hết hạn sớm nhất sẽ được sử dụng hoặc bán trước. Còn FIFO là First in First Out hay Nhập trước xuất trước. Bạn đọc có thể hiểu đơn giản rằng hàng hóa lưu kho sẽ được ưu tiên bán và xử lý trước.
2.6 Sắp xếp tài liệu, văn phòng phẩm, tư trang
Bên cạnh sắp xếp thuốc trong nhà thuốc, tài liệu, văn phòng phẩm, tư trang cũng cần được sắp xếp và quản lý. Dưới đây là một số tiêu chí để sắp xếp mà các Dược sĩ thường thực hiện.
- Phân loại tài liệu và bảo quản cẩn thận, sạch sẽ, có ghi nhãn phân biệt.
- Đặt tài liệu trong tủ riêng của nhà thuốc, sắp xếp gọn gàng và bảo quản đúng cách.
- Văn phòng phẩm cần được sắp xếp vào kệ, ngăn kéo theo đúng vị trí quy định.
- Tư trang không được để ở khu vực quầy thuốc mà cất trong tủ hoặc kệ riêng biệt.
- Một số giấy tờ, quảng cáo, giấy giới thiệu thuốc,… cần được sắp xếp gọn gàng, đúng nơi quy định.
- Đồ hoặc dụng cụ vệ sinh cần đóng gói và tránh tiếp xúc với thuốc.
Trên đây là 6 nguyên tắc sắp xếp thuốc ở nhà thuốc GPP mà bạn đọc cần biết. Hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích và phục vụ bạn đọc trong quá trình học tập, nghiên cứu. Theo dõi thêm các bài viết từ Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội để cập nhật thêm kiến thức xoay quanh lĩnh vực Y Dược.
TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y DƯỢC TUỆ TĨNH HÀ NỘI
http://tuetinh.edu.vn/
http://tuyensinh.tuetinh.edu.vn/
https://www.facebook.com/truongtuetinhhanoi