Thi trung học phổ thông quốc gia 2019: Vẫn lo chấm thi tự luận
Logo

Thi THPT quốc gia 2019: Vẫn lo chấm thi tự luận

Lượt xem: 1.712 Ngày đăng: 07/05/2019

Rate this post

Sau những gian lận thi cử tại Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang vừa qua, Bộ GD&ĐT đã đưa ra nhiều giải pháp để ngăn ngừa tiêu cực từ khâu chấm thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, với môn thi tự luận (môn Ngữ văn), Bộ vẫn chưa có giải pháp cụ thể. Trong khi đó, mối lo chấm chặt, chấm lỏng môn thi này mùa thi năm nào cũng được đặt ra.

Kết quả chấm thẩm định môn Ngữ văn tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 cho thấy có 11%-16% bài thi ở các tỉnh được chấm thẩm định đều giảm điểm so với kết quả ban đầu. 3 giáo viên chấm thi môn Ngữ văn ở Hòa Bình cũng vừa bị khởi tố vì liên quan đến gian lận thi cử tại địa phương này. Mối lo chấm chặt, chấm lỏng môn thi tự luận không phải là không có cơ sở.

Còn nhớ, năm 2011, 11 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã bắt tay nhau để nới lỏng biểu điểm chấm thi, khiến cho kết quả thi bị đánh giá sai lệch so với chuẩn… tại kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018,  3 địa phương có gian lận thi cử thì môn Ngữ văn cũng là môn được sửa điểm. Cụ thể,  Hòa Bình có 22 thí sinh được nâng điểm môn Ngữ văn. Sơn La có 42 bài thi ngữ văn được sửa điểm.  Lạng Sơn, địa phương không phát hiện ra gian lận thi cử nhưng cũng có ý kiến của dư luận thì kết quả chấm thẩm định môn văn của Hội đồng chấm thẩm định,  Bộ GD&ĐT, cho biết: Sau khi tiến hành chấm thẩm định 51 bài thi môn ngữ văn, không bài thi nào có điểm tăng lên; 8 bài giảm điểm (chiếm 15,7%).

Kết quả thi THPT quốc gia 2018 toàn quốc cho thấy, 10 địa phương có điểm trung bình môn văn cao nhất: Hậu Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, An Giang, Bạc Liêu, Thái Nguyên, Bình Thuận, Nam Định, Ninh Bình, Đồng Tháp. Tỉnh Hậu Giang dẫn đầu về điểm trung bình môn văn với 6,49. Trong hơn 6.000 TS dự thi của tỉnh này, có 89 TS đạt từ 9 trở lên, chỉ 3 TS bị điểm liệt. Hà Nội, TPHCM đều xếp vị trí thấp, lần lượt đứng thứ 33, 34 về điểm Văn trên cả nước.

Không thể có chuyện “rẻ, nhanh” mà nghiêm túc, an toàn

TS. Nguyễn Việt Cường, Viện Phó Viện nghiên cứu Phát triển Mê Kông cho biết, khi nhìn vào phổ điểm môn Ngữ văn của kỳ thi THPT quốc gia 2017, 2018 có thể nhận thấy khác hoàn toàn với phổ điểm các môn còn lại. Trong khi các môn trắc nghiệm, điểm chênh lệch giữa các mức điểm 0,25 tương đối đều nhau thì ở môn ngữ văn, xu hướng làm tròn thành điểm chẵn được tăng lên.

Chính vì vậy, những điểm như 5, 5.5, 6, 6.5, 7, 7.5 cao hơn mức điểm 5.25 hay 6.25, 7.25.  Không những thế, hình dáng phổ điểm không được thể hiện theo chuẩn (quả chuông) và có xu hướng hơi lệch phải với đỉnh của phổ ở mức 6; phổ điểm xuất hiện quá nhiều hiệu ứng răng cưa, mức độ biến động liên tục nhưng không theo quy luật thông thường là thoải dần về hai phía từ đỉnh phổ và điều đó gây ra sự bất bình thường.

Ví dụ, theo nguyên tắc chung, số thí sinh ở mức 7 điểm phải ít hơn số thí sinh ở mức 6,75 nhưng ở đây kết quả lại ngược lại. Dáng hình đồ thị liên tục lên, xuống theo từng dải điểm khiến cho phổ không có sự tương xứng và không đạt chuẩn. Điều này cho thấy mức độ phân hóa thí sinh của đề thi chưa cao, có thể gây khó khăn cho công tác tuyển sinh.

Trong khi đó, một chuyên gia giáo dục cho rằng vấn đề quan trọng nhất khi tổ chức một kỳ thi ở cấp quốc gia là sự nghiêm túc, công bằng chứ không phải là “rẻ, ít tốn kém”. Ông cho rằng chuyện thi cử cũng vậy. Áp lực dư luận về 2 kỳ thi tốt nghiệp và ĐH cách nhau có 1 tháng gây tốn kém tiền bạc và công sức cho xã hội nên gộp còn 1 kỳ thi.  Lượng đổi thì chất đổi, tiền bỏ ra đầu tư ít thì chất lượng giảm rõ rệt là điều không tránh khỏi.

“Nhưng bản chất câu chuyện nằm ở chỗ: Tính chất 2 kỳ thi khác nhau và một khi tổ chức tại địa phương thì kết quả không thể tin cậy được. Không phải đến giờ nó mới bộc lộ mà là nó đã thành bản chất cố hữu. Xem biểu đồ phân tích những em thi tốt nghiệp THPT đạt điểm 10 môn toán, đi thi ĐH 3 chung nó đổ rạp xuống như lúa mọc lốp” – vị chuyên gia này cho hay.

Năm nay, với môn Ngữ văn, Sở GD&ĐT vẫn chủ trì chấm thi.

Theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2018, Hà Nội có 70 điểm 9 ở môn văn. Nhưng toàn thành phố có  hơn 100 trường THPT, trung bình mỗi trường chỉ đạt tỷ lệ 0,7 học sinh đạt điểm 9 ở môn thi này, kể cả các trường chuyên. Tình trạng này cũng tương tự ở TPHCM, Đà Nẵng… Vậy có thể đặt ra vấn đề những thành phố lớn, có chất lượng giáo dục cao như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… chấm “chặt” hay các địa phương trên chấm “lỏng”?

 

NGHIÊM HUÊ

(Tiền phong)

DMCA.com Protection Status