Tên tiếng Việt: Hoắc hương, quảng hoắc hương
Tên khoa học: Pogostemon cablin (Blanco) Benth.
Họ: Lamiaceae (Hoa môi hay Bạc hà)
Công dụng: Chữa cảm lạnh, nôn mửa, khó tiêu, đau bụng, ỉa chảy (cả cây trừ rễ).
Mô tả cây
- Hoắc hương là một cây cỏ sống lâu năm, thân có phân nhánh, cao chừng 30cm-60cm, trên thân có lông. Lá vò có mùi thơm. Lá có cuống ngắn, phiến lá hình trứng hay hình thuỗn, dài chừng 5-10cm, rộng 2,5 – 7cm, mép có răng cưa to, mặt dưới nhiều lông hơn. Hoa màu hồng tím nhạt mọc thành bông ở kẽ lá hay đầu cành. Tuy nhiên cây trồng ở Việt Nam hầu như không thấy có hoa và kết quả.
- Ngoài loài hoắc hương kể trên người ta còn dùng loài hoắc hương Agastache rugosa (Fisch. Et Mey) O. Kuntze cùng họ. đó là một loại cỏ sống hàng năm cao chừng 40 – 100cm. Lá hình trứng dài 2 – 8cm, rộng 1-5cm, đầu lá nhọn phía cuống hơi hình tim. Cuống dài 1 – 4cm, mép có răng cưa thô, to. Hoa mọc thành vòng quanh thân ở đầu cành hay kẽ lá. Cánh hoa màu tím hay trắng. Mùa hoa tháng 6 – 7, mùa quả tháng 10 -11. Cây này cũng mọc ở nước ta nhưng ít phổ biến hơn loài trên.
Phân bố, thu hái và chế biến
- Cây hoắc hương được trồng nhiều nơi ở miền Bắc nước ta, chủ yếu lấy lá và cành làm thuốc nhiều nhất tại vùng Kim Sơn (Hà Nam), Hưng Yên. Tại Hà Nội, vườn thuốc Văn Điển có trồng thử. Thường trồng bằng giâm cành, vì cây không có hoa quả hiện việc nghiên cứu trồng chưa có kinh nghiệm chắc chắn.
- Tại các nước khác tại vùng nhiệt đới châu Á và châu Phi, hoắc hương được trồng rất quy mô để lấy lá cất tinh dầu. Những nước sản xuất hoắc hương nhiều nhất hiện nay là Ấn Độ, Malaixia, Philipin, Indonexia…
- Hàng năm tại Malaixia thu hoạch chừng 500 tấn lá khô hoắc hương để cất tinh dầu, chưa kể còn sản xuất chừng 70-1.000 tấn lá để sản xuất chừng hơn 5 tán lá khô để cất tinh dầu, chưa kể số lá dùng để cất tinh dầu tiêu thụ trong nội địa.
- Hiện xuất thu hoạch mỗi hecta hàng năm chừng 500kg lá khô.
Thành phần hoá học
- Trong lá hoắc hương khô có chứa 0,5-0,6% tinh dầu. thành phần chủ yếu của tinh dầu hoắc hương là cồn patchouli C15H26O còn gọi là long não patchouli, chất andehyt xinamic, andehyt bezoic, eugennola, cadinen C15H24, sesquitecpen và azulen.
- Long não patchouli là một rượu bậc 3, kết tinh dưới dạng tinh thề hình lục lăng, có khi kết tinh ngay trong tinh dầu Trong tinh dầu cất từ lá cây mọc ở Hà Nội (Nguyễn Xuân Dũng và cộng sự J.Ess Oil Res 2,99-100, March-April 1989) đã thấy cồn patchouli chiếm 32-38%. Ngoài ra còn 10 thành phần khác được phát hiện trong đó có α-bunesine và α-guaiene.
- Có thể cất tinh dầu hoắc hương bằng lá tươi nhưng tỷ lệ thấp, thường tinh dầu chỉ xuất hiện trong lá khô hoặc lá để thành đống cho hơi lên men khô dần.
Công dụng và liều dùng
Hoắc hương có nhiều công dụng:
Trong y học nhân dân, hoắc hương là một vị thuốc làm mạnh dạ dày, giúp sự tiêu hoá và ruột, dùng trong những trường hợp ăn không ngon, sôi bụng đau bụng đi ngoài, người hôi miệng.
Hoắc hương còn dùng làm thuốc chữa cảm mạo, nhức đầu mình mẩy đau đớn, triệu chứng cảm cúm. Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
Trong kỹ nghệ nước hoa, hoắc hương là một nguyên liệu quý vì tinh dầu hoắc hương (oil of patchouli) là một tinh dầu thơm và định hương cao cấp.
Đơn thuốc có hoắc hương
- Hoắc hương chính khí ha kiện tì cho tả tán:
Hoắc hương 15g, tô diệp (lá tía tô) 10g, thương truật 8g, cam thảo 3g, trần bì 5g, đại táo 4 quả, hậu phác 3g, phục linh 6g. Tất cả tán thành bột chia thành gói 8-10g. Chữa ăn uống không tiêu, đau bụng đi ngoài. Người lớn ngày uống 2-5 gói (tối đa), cách một giờ uống 1 gói. Trẻ con từ 2-3 tuổi mỗi lần uống 1/3 gói, 8-10 tuổi mỗi lần 1-2 gói.
- Đơn thuốc chữa ăn uống không tiêu, hay sôi bụng:
Hoắc hương 12g, thạch xương bồ 12g, hoa cây đại 12g, vỏ bưởi đào đốt cháy 6g. Tất cả tán nhỏ. Trước bữa ăn 20 phút uống với nước nóng, mỗi lần 2g. Ngày uống 3 lần.