Vì sao học sinh thi vào lớp 10 Hà Nội khóc ròng khi tan thi môn Toán?
Lượt xem: 1.617 Ngày đăng: 03/06/2019
Học sinh thi vào lớp 10 Hà Nội, tan thi môn Toán nhiều em đã khóc nức nở ngay tại cổng trường vì trong đề có nhiều câu hỏi khó, lạ hơn năm trước rất nhiều, nhất là bài hình học.
Chiều ngày 2.6, các em học sinh thi vào lớp 10 Hà Nội làm bài thi môn Toán với thời gian 120 phút. Ngay khi có đề, tôi trực tiếp xắn tay lên làm cụ thể từng câu. Bản thân tôi cũng gặp một vài khó khăn và bối rối.
Từ cảm xúc của mình tôi có thể hình dung được những khó khăn của thí sinh trong phòng thi và phần nào hiểu được tâm trạng của các em sau khi thi xong.
Theo như quan sát của tôi thì khi ra khỏi cổng trường, nhiều em có vẻ mặt buồn rầu, một số khóc rưng rức, thậm chí cả phụ huynh cũng khóc. Tại sao lại như thế? Có lẽ nguyên nhân chính là do các em đã gặp một đề thi quá sức, đề có nhiều câu hỏi phức tạp hơn mức cần thiết.
Bài I.3 rườm rà, lắt léo
Đây là câu phân hóa ở mức độ vận dụng. Lẽ ra đề chỉ cần hỏi: Tìm giá trị x nguyên để biểu thức P = A.B nguyên. Đề hỏi P = A.B nguyên đạt giá trị lớn nhất sẽ làm học sinh bị rối, rất dễ mất phương hướng dẫn tới trả lời sai.
Bài II.1 khó hơn năm ngoái khá nhiều
Đây là bài giải toán bằng cách lập hệ phương trình. So với đề năm 2018 thì câu này phức tạp hơn, ẩn có yếu tố nghịch đảo nên nếu không phân tích tốt, rất có thể học sinh cũng sẽ gặp khó khăn mà mất đứt … 2 điểm.
Bài II.2 lạ và gây bất ngờ cho thí sinh
Câu hỏi về thể tích khối trụ. Bản thân câu hỏi không phải là khó. Chỉ có điều, nhiều năm nay không có trong đề nên khi ôn thi nhiều học sinh xem nhẹ, chủ quan.
Những đề thi thử của các trường ở Hà Nội mà tôi biết, cũng không hỏi phần hình học không gian. Từ đó, có thể nhiều học sinh sẽ không nhớ công thức, dẫn tới mất điểm câu này một cách rất đáng tiếc.
Bài hình khó ngay từ ý thứ 2
Theo cấu trúc như mọi năm thì bài hình gồm 4 ý (3.5 điểm) với độ khó tăng dần. Đề năm nay có 3 ý (3 điểm) nhưng có thể thấy đề phân hóa ngay từ ý thứ 2 (chứng minh OA vuông góc EF). Nếu học sinh tinh ý vẽ thêm tiếp tuyến của đường tròn tại A thì việc chứng minh sẽ đơn giản.
Nếu đi theo hướng khác nói chung đều dài và phức tạp. Quan sát lời giải của các giáo viên một trung tâm được đăng tải trên một số tờ báo, tôi thấy họ làm ý này kín một trang giấy.
Như thế, có thể nhiều em đã không làm được từ ý thứ 2 này và vì vậy cũng sẽ không làm được ý thứ 3.
Ý thứ 3 của bài hình có thể coi là ý vận dụng cao (chứng minh KH // IP): rắc rối và phức tạp
Làm đến đoạn này, thời gian còn lại rất ít, nhiều em đã “hoa mắt, chóng mặt” nên khả năng hầu hết đều … đầu hàng.
Cấu trúc của bài hình khác với mọi năm và rất dễ sảy chân mất đứt 2 điểm. Đây có thể là một trong những lí do để nhiều học sinh phải … rơi lệ.
Câu V: không nhất thiết phải làm khó học sinh đến thế
Bản thân tôi khi làm bài này đã phải dùng phương pháp bảng biến thiên của lớp 10 để tìm ra được kết quả max, min, từ đó làm “gượng ép” theo kiểu lớp 9.
Vẫn biết đây thường là câu phân hóa mạnh nhất đề nhưng học sinh đã mất nhiều thời gian và công sức, nhất là với bài hình, nhưng câu hỏi dài và lắt léo như thế này đã làm khó thí sinh rất nhiều.
Với câu 0.5 điểm, chỉ cần hỏi max hoặc min là được rồi. Đề dành cho học sinh phổ thông, không nhất thiết phải hỏi khó như thi học sinh giỏi.
Nếu phân hóa mạnh quá, hầu như không có học sinh làm được thì câu hỏi cũng vô nghĩa.
Người ra đề chưa đặt mình vào vai học sinh để soạn câu hỏi. Một số đồng nghiệp của tôi cũng than rằng, nếu dùng cách lớp 9 cũng phải “toát mồ hôi” mới làm được câu V.
Từ những yếu tố trên, có thể thấy rằng, nhiều em đã không làm tốt bài thi Toán như mong đợi nên hình ảnh buồn rầu cuối buổi thi hay những giọt nước mắt đã rơi cũng là điều dễ hiểu.
Sở giáo dục Hà Nội nên công bố thông tin đầy đủ hơn và có lẽ cũng không nên tiếc một đề minh họa công bố trước cho học sinh và giáo viên tham khảo.
Thầy giáo Trần Mạnh Tùng
(Dantri)